Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại.
I. Quy định của pháp luật thương mại về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Khái niệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại
Căn cứ Điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định về bồi thường thiệt hại:“1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”, có thể hiểu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại là một chế tài có tính chất bù đắp những tổn thất là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng mà bên vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại
Căn cứ theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại 2005, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm tại Điều 294, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Cụ thể:
Thứ nhất, hành vi vi phạm hợp đồng điều kiện tiên quyết để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Theo khoản 12, Điều 3, Luật Thương mại 2005 quy định:
“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.”
Về bản chất, đây là sự cư xử không đúng, không phù hợp của một bên với những gì mà họ đã cam kết trong hợp đồng. Trên thực tế, để xác định việc có hay không một hành vi vi phạm hợp đồng, cần xem xét đầy đủ 02 yếu tố: quan hệ hợp đồng hợp pháp giữa các bên và hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ.
Một điều cần lưu ý, các bên trong hợp đồng bắt buộc thực hiện đúng, đầy đủ bao gồm các điều khoản cơ bản trong nội dung hợp đồng và các điều khoản thông thường được pháp luật quy định. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nếu các bên không thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm được xác định theo khoản 2 Điều 35 LTM năm 2005.
Thứ hai, có thiệt hại thực tế xảy ra. Theo Điều 304 LTM 2005, để có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh được tổn thất từ hành vi vi phạm gây ra. Việc xác định đúng thiệt hại trong hành vi vi phạm hợp đồng thương mại là quan trọng bởi nó là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Nếu hiểu tổn thất thực tế, trực tiếp là tổn thất ngay tại thời điểm hiện tại do hành vi vi phạm gây ra thì khoản lợi trực tiếp có thể được hiểu những lợi nhuận mà đáng ra bên bị vi phạm có được trong trường hợp không xảy ra thiệt hại. Trong thực tế, các thiệt hại phát sinh vô cùng đa dạng, phong phú. Do đó, để xác định được tổn thất thực tế, trực tiếp cũng như khoản lợi và quy đổi thành con số nhất định không phải là điều dễ dàng.
Tổn thất thực tế, trực tiếp là những tổn thất phát sinh một cách tự nhiên theo quy luật phát triển thông thường khi xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng. Khoản lợi trực tiếp có thể được coi là thiệt hại gián tiếp do nó không phát sinh trực tiếp và ngay lập tức từ hành vi vi phạm mà phát sinh từ hệ quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Đây là những lợi ích mà bên bị thiệt hại sẽ có được nếu như hợp đồng được thực hiện đúng.
Thứ ba, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Hay nói cách khác, thiệt hại thực tế chính là kết quả tất yếu do hành vi vi phạm. Do đó, cần xác định giữa 02 yếu tố hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế có mối quan hệ nhân quả. Trên thực tế, một hành vi vi phạm hợp đồng có thể gây ra nhiều thiệt hại và ngược lại, một thiệt hại có thể xuất phát do nhiều hành vi vi phạm gây ra. Vì vậy, để xác định chính xác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế đòi hỏi các bên liên quan phải cung cấp chính xác đầy đủ tài liệu, bằng chứng trong quá trình giải quyết.
3. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm được quy định tại Điều 305 LTM 2005 như sau:
“Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.”
Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, ngăn chặn thiệt hại; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Quy định này góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, đồng thời tránh trường hợp bên bị vi phạm có quyền lợi dụng việc vi phạm hợp đồng làm cho thiệt hại lớn hơn so với mức độ hành vi vi phạm; nếu bên yêu cầu bồi thường không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại xảy ra.
Ngoài căn cứ pháp luật phải áp dụng, đây cũng được coi là đạo đức kinh doanh và thiện chí của bên bị vi phạm trong việc hợp tác với bên vi phạm nhằm ngăn chặn tổn thất hoặc hạn chế tổn thất nếu được. Nhìn chung, việc người bị thiệt hại không áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình có thể hiểu là người bị thiệt hại đã để cho thiệt hại trở nên trầm trọng hơn và do đó cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm.
4. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ tại Điều 294 LTM 2005, các trường hợp vi phạm sau sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”
Tại điểm a khoản 1 Điều 294 LTM năm 2005, trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ xảy ra khi các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, điều khoản miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ngoại lệ, cụ thể khoản 3 Điều 405 BLDS 2015 có quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” . Như vậy, trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng, bên đưa ra hợp đồng mẫu không được quy định điều khoản với nội dung miễn trừ trách nhiệm của mình và loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia.
5. Mối quan hệ giữa việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại với các chế tài khác trong luật thương mại
Nhìn chung, bồi thường thiệt hại có thể kết hợp được với các chế tài khác trong quan hệ thương mại như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.
Trong đó, buộc bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm là hai chế tài cơ bản và quan trọng trong thương mại khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Mặc dù đây là hai chế tài độc lập khác nhau nhưng trong thực tế, nhiều chủ thể giao kết hợp đồng thương mại còn có sự nhầm lẫn và áp dụng không rạch ròi giữa hai hình thức này. Điều này thể hiện qua việc quy định mối quan hệ giữa hai chế tài này trong Luật Thương mại và Luật đân sự đang có những điểm mâu thuẫn, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 307 LTM năm 2005, chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng như sau:
“1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 418 BLDS năm 2015 quy định mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại như sau:
“3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”
Như vậy, có thể thấy sự khác nhau trong mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại và Luật dân sự như sau:
– Đối với hợp đồng thương mại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, còn trách nhiệm nộp phạt vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.
– Đối với hợp đồng dân sự: trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Sở dĩ có sự khác biệt giữa 2 bộ luật này là do Luật Thương mại quy định “mức trần” đối với chế tài phạt vi phạm là “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này” (Điều 301 LTM 2005). Trong khi đó, Luật Dân sự không quy định “mức trần” của phạt vi phạm, mức phạt vi phạm là do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Điều 418 Luật Dân sự 2015).
II. Một số bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại
1. Thiệt hại ước tính
Thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính là một chế tài được sử dụng phố biến trong các hợp đồng thương mại nhằm xử lý các vi phạm hợp đồng và để phân bố rủi ro theo ý định thương mại giữa các bên. Theo đó, các bên tiến hành thỏa thuận một số tiền bồi thường mà một bên có thể nhận được đối với những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia.
Thực tiễn hiện nay khi thỏa thuận giao kết hợp đồng thương mại, một số trường hợp trong hợp đồng thường ấn định cụ thể mức phạt vi phạm và mức bồi thường thiệt hại, tuy nhiên khi phát sinh tranh chấp thì mức bồi thường thiệt hại đã ấn định này không được Tòa án có thẩm quyền công nhận vì không phù hợp với thiệt hại phát sinh trên thực tế và pháp luật chưa cho phép.
Ví dụ: Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/2020/KN-KDTM ngày 09/06/2020 của Tòa án nhân đân tối cao về việc tranh chấp giữa Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn với công ty Yến Việt.
Theo đó, Công ty cổ phần Yến Việt ký hợp đồng với Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn năm 2010, đồng ý cho công ty này phân phối độc quyền các sản phẩm trong thời hạn 10 năm. Trong đó có quy định điều khoản: bên vi phạm cam kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia số tiền là 10 tỷ đồng.
Trong thời hạn 10 năm, Công ty cổ phần Yến Việt đã thiết lập các cửa hàng phân phối mà không báo trước cho Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn và do đó đã vi phạm cam kết về việc đồng ý cho Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn phân phối độc quyền.
Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đồng ý 10 tỷ đồng là số tiền mà Công ty cổ phần Yến Việt phải bồi thường cho Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn do hành vi vi phạm hợp đồng. Mức bồi thường này được ấn định dựa trên thỏa thuận của 2 bên trong hợp đồng.
Tòa án cấp phúc thẩm quyết định thiệt hại được bồi thường phải được tính toán dựa trên thiệt hại thực tế, tức bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh được tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp theo quy định tại Điều 303 và Điều 304 LTM 2005. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM đã đông ý với quyết định của tòa án cấp sơ thẩm: bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm số tiền là 10 tỷ đồng.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Tòa án cho rằng việc Công ty cổ phần Yến Việt phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn theo bản án sơ thảm và quyết định giám đốc thẩm là không phù hợp. Tòa nhận định thiệt hại được bồi thường phải được tính toán dựa trên thiệt hại thực tế và trực tiếp theo quy định của Luật Thương mại 2005.
Như vậy, xét trên thực tế, Tòa án và pháp luật hiện hành không công nhận hay đề cập đến hiệu lực của thỏa thuận về bồi thường thiệt hại được 02 bên ấn định trong hợp đồng thương mại. Do vạy, bên bị vi phạm hoàn toàn có thể mất quyền được hưởng khoản bồi thường đã ấn định nếu cơ quan có thẩm quyền xét xử không chấp nhận sự tự nguyện thỏa thuận này của các bên tại hợp đồng.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Hiệp định Thương mại Việt Nam và Mỹ (BTA) thì thoả thuận bồi thường thiệt hại ước tính được thừa nhận về hiệu lực pháp lý. Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 TRIPS về đền bù thiệt hại:
“Các cơ quan xét xử phải có quyền ra lệnh buộc người xâm phạm phải trả cho chủ thể quyền các phí tổn, trong đó có thể bao gồm cả phí đại diện thích hợp. Trong những trường hợp thích hợp, các Thành viên có thể cho các cơ quan xét xử được quyền ra lệnh thu hồi các khoản lợi nhuận và/hoặc trả các khoản đền bù thiệt hại đã ấn định trước, kể cả trường hợp người xâm phạm đã thực hiện hành vi xâm phạm khi không biết hoặc không có căn cứ để biết điều đó.”
Theo đó, các thành viên của Hiệp định có thể cho phép các cơ quan tư pháp quyền yêu cầu người xâm phạm phải trả các khoản đền bù thiệt hại đã được ấn định trước. Tương tự tại quy định của Điều 12 Chương II BTA, một bên trong Hiệp định có thể cho phép các cơ quan tư pháp quyền yêu cầu người xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bồi thường thiệt hại ước tính. Như vậy, có thể thấy rằng, quyền yêu cầu một khoản bồi thường thiệt hại được ấn định trước (hay nói cách khác là bồi thường thiệt hại ước tính) được công nhận trong quan hệ thương mại quốc tế.
2. Thiệt hại tinh thần
Điều 419 BLDS năm 2015 đã xác định: “Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”.
Đây cũng là lần đầu tiên BLDS năm 2015 ghi nhận trực tiếp đối với vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng, tuy nhiên các tiêu chí nhằm xác định giá trị tinh thần bị tổn thất chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt khi chủ thể là pháp nhân trong hợp đồng thương mại thì Luật thương mại 2005 cũng chưa đề cập đến vấn đề này. Trong thực tế tại các hợp đồng thương mại, ngoài việc tổn thất trực tiếp về vật chất cũng như lợi nhuận, hành vi vi phạm cũng có thể dẫn đến những tổn thất tinh thần nghiêm trọng đối với bên bị vi phạm.
3. Yếu tố lỗi trong Luật thương mại
Trong LTM 2005, tại Điều 303 không đề cập yếu tố lỗi là một trong những căn cứ để áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cũng trong LTM 2005, điều khoản quy định về “phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai” (Điều 266) và điều khoản quy định về “giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic” (Điều 238) có đề cập yếu tố lỗi làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, khi 02 điều khoản này so sánh với quy định chung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 303 LTM 2005 thì chưa có sự tương thích, phù hợp.
Kết luận
Tóm lại, khi giải quyết các tranh chấp bồi thường thiệt hại trong các hợp đồng kinh doanh thương mại, nếu như muốn chứng minh có căn cứ để phát sinh bồi thường thiệt hại, Luật sư cần chứng minh đồng thời các vấn đề sau:
+ Có hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phát sinh hợp đồng. (1)
+ Chứng minh có mất mát, hư hỏng thực tế xảy ra và thu nhập thực tế bị mất, giảm sút, khoản lợi đáng nhẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm và chi phí để sửa chữa, ngăn chặn/hạn chế thiệt hại xảy ra. (2)
+ Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế. (3)
+ Chứng minh bên vi phạm không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. (4)
Ngược lại, khi cần chứng minh không có căn cứ bồi thường thiệt hại thì Luật sư chỉ cần chứng minh một trong ba yếu tố (1) hoặc (2) hoặc (3) không thỏa mãn hoặc bên vi phạm thuộc trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự. (4)