Đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Điều khoản Dự thảo quy định nội dung không thực sự cần thiết
Khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đó, khoản 3 Điều 77 Luật BVQLNTD năm 2023 đã có quy định chi tiết và tương đối đầy đủ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, Dự thảo không bổ sung thêm trách nhiệm nào khác của Ủy ban nhân dân cấp xã mà chỉ nhắc lại nghĩa vụ đã được quy định chi tiết tại Luật. Do vậy chúng tôi cho rằng không cần thiết phải quy định lại nội dung này tại Điều 6 của Dự thảo.
Đề xuất, kiến nghị: Bỏ khoản 1 Điều 6 Dự thảo, theo đó nội dung Điều 6 chỉ còn quy định về trách nhiệm của Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại. Vì vậy, tên Điều 6 Dự thảo cũng cần được sửa đổi như sau: “Điều 6. Trách nhiệm của Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại”
2. Dự thảo Nghị định chưa quy định toàn bộ các nội dung cần quy định chi tiết theo yêu cầu tạo Luật BVQLNTD 2013
Căn cứ vào khoản 5 Điều 10 và khoản 3 Điều 45 Luật BVQLNTD năm 2023, Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết các hành vi mà các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm, cũng như quy định chi tiết trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp. Theo đó, Dự thảo hiện đang được cấu trúc thành 08 Chương, 30 Điều, tuy nhiên không có điều khoản nào quy định về vấn đề bán hàng đa cấp.
Xét thấy, thực trạng hiện nay tồn tại một số hành vi “biến tướng” của những người bán hàng đa cấp mà chưa được liệt kê tại khoản 2 Điều 10 Luật BVQLNTD 2023 hoặc Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Một số hành vi có thể kể đến như sau:
- Không cho phép người tiêu dùng được đổi trả hàng hóa đã mua do không đúng chất lượng, chủng loại đã cam kết và/hoặc không hoàn tiền khi người tiêu dùng trả lại hàng hóa;
- Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình, hoặc được quyền nhận hoa hồng từ hoạt động bán hàng của mình;
- Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định dưới bất kỳ hình thức nào;
- Không cho phép người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được pháp luật quy định;
Chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo Dự thảo cần xem xét và bổ sung những hành vi khác mà xét thấy cần phải nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện để đảm bảo không bỏ lọt các hành vi vi phạm trên thực tế, giúp bảo vệ không chỉ quyền lợi người tiêu dùng mà còn quyền lợi của những người tham gia bán hàng đa cấp.
Đề xuất, kiến nghị: Bổ sung 01 chương về vấn đề bán hàng đa cấp vào Dự thảo, trong đó có các điều khoản quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Các hành vi bị nghiêm cấm có thể chưa được liệt kê trong Dự thảo nhưng là các hành vi thoả mãn các điều kiện: không mang tính chất tự nguyện của người mua, người mua không có quyền trả lại hàng hoá, dịch vụ mua, yêu cầu người mua phải mua hàng hoá, dịch vụ để trở thành thành viên của hệ thống bán hàng đa cấp…
3. Quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
Sau khi rà soát Dự thảo, Luật BVQLNTD 2023 và nghiên cứu thực trạng bất cập, vướng mắc khi hiện nay, chúng tôi nhận thấy Điều 5 của Dự thảo chưa thực sự đầy đủ và phù hợp, cụ thể ở một số nội dung sau đây:
Thứ nhất là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh như sau: “Các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Trong đó, điểm d khoản 1 Điều 9 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh có trách nhiệm: “d) Đổi hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa từ người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình bán, cung cấp không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp”.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Internet và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt kể từ đại dịch COVID-19, nhu cầu mua bán, giao dịch trực tuyến ngày càng lớn, từ đó xuất hiện hiện tượng người bán trên các sàn giao dịch điện tử hoặc các nền tảng mạng xã hội yêu cầu người tiêu dùng phải thanh toán thêm một khoản phụ phí phát sinh từ việc đổi/trả sản phẩm như phí vận chuyển, phí đóng gói lần 02,… Đôi khi những phụ phí này lại trở thành một điều kiện để người tiêu dùng được đổi hàng hoặc trả hàng. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi họ phải chịu tổn thất cho việc đổi, trả hàng hóa mà không phải do lỗi của mình. Việc này cũng gây ra tâm lý e ngại cho người tiêu dùng khi không muốn có tranh chấp với những yêu cầu vô lý của người bán và chấp nhận giữ lại hàng hóa không thể sử dụng được.
Vì vậy, cần bổ sung quy định về việc đổi hàng hóa và nhận lại hàng hóa từ người tiêu dùng tại khoản 1 Điều 9 Luật BVQLNTD năm 2023 không được kèm theo bất kỳ phụ phí nào khác trong trường hợp hàng hóa do người bán cung cấp không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng như thông tin đã đưa ra.
Thứ hai là quy định tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo chưa đầy đủ và bám sát thực tiễn.
Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định như sau: “Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”
Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn mua và bán hàng hóa, sản phẩm trên các nền tảng giao dịch trực tuyến (như các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử) nhiều hơn việc mua bán trực tiếp (như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại). Từ đó, số lượng người bán /cung ứng sản phẩm tham gia bán hàng trên các nền tảng giao dịch trực tuyến tăng vọt, đặc biệt là các cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, buôn bán vặt thuộc đối tượng là cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP.
Trong khi đó khoản 2 Điều 5 của Dự thảo chỉ quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại là chưa đầy đủ và bám sát thực tiễn bởi các sàn thương mại điện tử cũng có những quy tắc, tiêu chuẩn cộng đồng nhất định để điều chỉnh và quản lý các hành vi bán hàng và quảng cáo sản phẩm của người bán, ngoài ra pháp luật về thương mại điện tử cũng quy định các trách nhiệm của người bán trên website/sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, những cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại các sàn thương mại điện tử cũng phải tuân thủ quy tắc, nội quy do Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử ban hành và các quy định pháp luật liên quan.
Đề xuất, kiến nghị: Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điều 5 của Dự thảo như sau:
“1. Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh quy định tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các trách nhiệm sau đây:
a) Các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, việc đổi hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa từ người tiêu dùng không được kèm theo bất kì phụ phí nào khác, trừ trường hợp việc đổi và/hoặc trả lại hàng hóa không do lỗi của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh và các bên có thỏa thuận về việc người tiêu dùng phải thanh toán thêm phụ phí;
b) Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, các sàn giao dịch thương mại điện tử ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quy tắc do sàn giao dịch thương mại điện tử ban hành và các quy định khác của pháp luật”.
4. Quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
4.1. Về ngôn ngữ sử dụng tại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
b) Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, các sàn giao dịch thương mại điện tử ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quy tắc do sàn giao dịch thương mại điện tử ban hành và các quy định khác của pháp luật”.
4. Quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
4.1. Về ngôn ngữ sử dụng tại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Khoản 1 Điều 7 của Dự thảo quy định về ngôn ngữ trong hợp đồng chung, điều kiện giao dịch chung như sau: “Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt”. Quy định này không thống nhất với Luật BVQLNTD năm 2023 bởi theo khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “… Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.”. Theo đó, Luật BVQLNTD năm 2023 cho phép ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt và có thể thêm các ngôn ngữ khác (tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài) nếu các bên có thỏa thuận.
Chúng tôi cho rằng quy định tại Luật BVQLNTD năm 2023 là phù hợp hơn bởi thể hiện sự đề cao thỏa thuận của hai bên mua-bán và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch với những người tiêu dùng là người nước ngoài, người dân tộc có thể hiểu rõ và nắm chắc các nội dung tại hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung mà người bán đưa ra, từ đó có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình trong các giao dịch mua bán. Việc Nghị định không nhắc đến các ngôn ngữ khác mà chỉ quy định ngôn ngữ là tiếng Việt sẽ gây ra những cách hiểu và cách áp dụng trên thực tế không thống nhất, từ đó dẫn đến việc thi hành gặp nhiều khó khăn và có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Đề xuất, kiến nghị: Khoản 1 Điều 7 Dự thảo cần bổ sung việc cho phép các bên sử dụng thêm những ngôn ngữ khác trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có hình thức là văn bản, nội dung bổ sung tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2023.
4.2. Về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Dự thảo quy định thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa hợp lý, cụ thể
Khoản 3 Điều 10 của Dự thảo quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền dừng việc tiếp nhận hồ sơ bổ sung và không xem xét bộ hồ sơ đã nộp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm nộp hồ sơ mới theo thủ tục quy định tại Điều 9 Nghị định này”. Theo đó, thời hạn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quy định này chưa thực sự phù hợp bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Dự thảo, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bằng 02 phương thức là nộp trực tiếp hoặc nộp bằng phương tiện điện tử. Như vậy khi cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ cũng sẽ gửi bằng phương thức tương ứng với phương thức nộp hồ sơ của cá nhân, tổ chức kinh doanh như: Nếu hồ sơ được nộp bằng phương tiện điện tử (email hoặc dịch vụ công trực tuyến), cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ bằng phương tiện điện tử; Nếu hồ sơ được nộp trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền có thể giao văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ trực tiếp theo giấy hẹn trả kết quả hoặc gửi bằng đường bưu điện. Thông thường thời gian gửi thư sẽ mất từ 01 đến 03 ngày làm việc, như vậy cá nhân, tổ chức kinh doanh nhận văn bản thông báo từ cơ quan có thẩm quyền qua đường bưu điện sẽ có ít thời gian để sửa đổi và chuẩn bị hồ sơ bổ sung hơn so với những cá nhân, tổ chức nhận thông tin sửa đổi qua phương thức điện tử. Việc này có thể gây khó khăn cho những cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu hồ sơ cần phải sửa đổi nhiều nội dung hoặc có tính chất phức tạp, cũng như thể hiện sự không công bằng đối với mọi cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Dự thảo này.
Do đó, chúng tôi cho rằng thời hạn cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nên được tính từ ngày những cá nhân, tổ chức kinh doanh này nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền.
Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi khoản 3 Điều 10 của Dự thảo như sau: “Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký, cơ quan có thẩm quyền dừng việc tiếp nhận hồ sơ bổ sung và không xem xét bộ hồ sơ đã nộp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm nộp hồ sơ mới theo thủ tục quy định tại Điều 9 Nghị định này”.
5. Quy định về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Dự thảo, tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật phải thực hiện thông báo, công khai các thông tin về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật với những nội dung sau:
“a) Thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thu hồi;
b) Mô tả sản phẩm, hàng hóa phải thu hồi;
c) Lý do thu hồi sản phẩm, hàng hóa;
d) Cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa gây ra;
c) Lý do thu hồi sản phẩm, hàng hóa;
d) Cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa gây ra;
đ) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi sản phẩm, hàng hóa;
e) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa;
f) Nội dung khác có liên quan (nếu có) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
f) Nội dung khác có liên quan (nếu có) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Chúng tôi cho rằng một trong những nghĩa vụ quan trọng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật cần phải thực hiện đó là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Điều 34 Luật BVQLNTD năm 2023 đã có quy định về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, tuy nhiên không quy định các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo công khai thông tin này cho người tiêu dùng. Việc này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng khi không biết mình có được bồi thường hay không, cách thức yêu cầu bồi thường những tổn thất, thiệt hại về sức khỏe và/hoặc tài sản mà mình phải gánh chịu như thế nào, đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại là ai, cũng như mức độ được bồi thường là bao nhiêu? Trên thực tế đã có những trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh lợi dụng việc không thông báo hoặc thông báo không rõ ràng các chính sách bồi thường thiệt hại để từ chối tiếp nhận hoặc gây khó dễ khi người tiêu dùng yêu cầu bồi thường thiệt hại do sử dụng sản phẩm bị khuyết tật gây ra.
Trong khi đó, việc thông báo, công khai quy định tại khoản 3 Điều 18 nêu trên là thủ tục thông báo công khai duy nhất mà thông tin về hàng hóa, sản phẩm khuyết tật có thể tiếp cận được đến người tiêu dùng. Vì vậy, xuất phát từ tầm quan trọng của việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, khoản 3 Điều 18 Dự thảo cần bổ sung trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật phải công bố công khai thông tin về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng, từ đó đảm bảo được việc người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm được mọi thông tin cần thiết về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, cũng như ràng buộc các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải xây dựng được cơ chế bồi thường thiệt hại minh bạch, rõ ràng hợp lý và không được từ chối hay ngăn cản người tiêu dùng yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đề xuất, kiến nghị: Đề xuất khoản 3 Điều 18 Dự thảo bổ sung thêm trách nhiệm thông báo công khai của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố công khai thông tin về việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hàng hóa, sản phẩm khuyết tật gây ra, trong đó phải có những nội dung cơ bản sau: Đầu mối tiếp nhận yêu cầu bồi thường, chính sách bồi thường (những thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường…), phương thức thực hiện yêu cầu bồi thường….
Trên đây là một số góp ý của Công ty Luật TNHH Brandco, với mong muốn cùng góp sức để hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi hi vọng những ý kiến được đưa ra sẽ được Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc và chỉnh sửa phù hợp, đảm bảo quá trình áp dụng trên thực tiễn được thông suốt, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.