Đóng góp ý kiến vào việc nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.


I. Rà soát, đánh giá quy định của BLTTHS
1. Ưu điểm của BLTTHS trong hoạt động bào chữa của Luật sư
Thay vì chỉ được điều chỉnh bởi 03 điều luật như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã dành một chương riêng (Chương V) bao gồm 13 điều luật từ Điều 72 đến Điều 84 để quy định về việc bào chữa, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa và những thủ tục liên quan, từ đó tạo cơ sở pháp lý cần thiết để những người tham gia tố tụng thực hiện quyền bào chữa của mình trên thực tế. Dưới đây là một số quy định của BLTTHS mang lại lợi ích lớn trong hoạt động bào chữa:
Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 thể hiện bước tiến bộ trong quy định về quyền bào chữa, quyền bào chữa xuất hiện ngay từ thời điểm một người bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (quy định tại Điều 58 và Điều 74 BLTTHS 2015). Quy định này giúp phía bị “buộc tội” được bình đẳng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, quyền của người bào chữa đã được mở rộng hơn khi điểm e khoản 1 Điều 73 BLTTHS quy định người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại khi nhận thấy các biện pháp này không còn cần thiết, không còn đủ điều kiện để áp dụng đối với người bị buộc tội. Thực tế cho thấy, do hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như tâm lý mà người bị buộc tội thường không dám nêu lên ý kiến, quan điểm, đề nghị về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với bản thân hoặc nếu có thì cũng không có đủ căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó, việc quy định cho người bào chữa có quyền này là rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, hạn chế sự tùy tiện của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ ba, điểm g khoản 1 Điều 73 BLTTHS quy định người bào chữa có quyền “đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Quyền này có thể được áp dụng khi người bào chữa cho rằng hoạt động này giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện hơn hoặc những tình tiết giúp cho việc làm sáng tỏ các tình tiết chứng minh sự vô tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội (Kiểm sát viên) và bên gỡ tội (người bào chữa) trong việc đề nghị Tòa án triệu tập người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến phiên tòa. Đặc biệt, trong trường hợp có dấu hiệu hoặc nghi ngờ về việc người bị buộc tội bị người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ép cung, mớm cung, dùng nhục hình thì việc đề nghị triệu tập người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đối chất với người bị buộc tội, làm rõ dấu hiệu hoặc nghi ngờ về vấn đề nêu trên là hết sức cần thiết.

2. Bất cập, vướng mắc trong các quy định của BLTTHS đối với hoạt động bào chữa của Luật sư
2.1. Những quy định chưa phù hợp, không khả thi với thực tiễn
Thứ nhất, về thời hạn báo trước cho người bào chữa, tại khoản 1 Điều 79 BLTTHS quy định: “1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này.”. Trong đó, “Thời gian hợp lý” được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công An là “tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc”. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này không khả thi hoặc hiệu quả thực hiện không cao. 24 giờ hay 48 giờ là thời gian quá ngắn cho một Luật sư, trong điều kiện bình thường, có thể sắp xếp công việc cá nhân, chuẩn bị hồ sơ vụ việc, luận cứ bào chữa và di chuyển đến địa điểm tiến hành tố tụng, nhất là khi Luật sư cư trú ở tỉnh, thành phố quá xa so với địa điểm tiến hành tố tụng. Điều này dẫn đến trường hợp Luật sư, người bào chữa không thể đến kịp địa điểm tiến hành tố tụng, hoặc không đủ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng lời bào chữa của mình, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố... do việc Luật sư vắng mặt hoặc chất lượng bào chữa kém.

Thứ hai, về thủ tục đăng ký bào chữa, khoản 2 và khoản 3 Điều 78 BLTTHS quy định các loại giấy tờ mà người bào chữa phải xuất trình khi đăng ký bào chữa cho người bị buộc tội, trong đó có quy định Luật sư đăng ký bào chữa thì cần cung cấp đồng thời cả Thẻ Luật sư và bản sao chứng thực Thẻ Luật sư của mình. Tuy nhiên, yêu cầu này là chưa phù hợp, bởi lẽ Luật sư chỉ cần xuất trình một trong hai loại là Thẻ Luật sư gốc hoặc bản sao có chứng thực là đủ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật nào trong quá trình cung cấp các giấy tờ này thì Luật sư sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật liên quan chứ không cần phải đưa vào quy định của luật tố tung hình sự, và cơ quan có thẩm quyền không cần có trách nhiệm phải xác minh bản sao chứng thực mà Luật sư cung cấp có đúng với bản chính hay không. Quy định này gây rườm rà, phức tạp về mặt giấy tờ trong việc đăng ký bào chữa. Thậm chí, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng còn yêu cầu luật sư phải nộp giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư hoặc những giấy tờ khác mà pháp luật không quy định. Từ đó, một việc tưởng chừng như rất đơn giản và là quyền cơ bản của người bị buộc tội lại trở thành rào cản lớn cho cả người bào chữa và người bị buộc tội.

Thứ ba, về quy định thời gian giải quyết đăng ký bào chữa, khoản 4 Điều 78 BLTTHS 2015 quy định: “ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.” Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bào chữa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải vào sổ đăng ký bào chữa và ra Thông báo về việc đăng ký bào chữa cho người bảo chữa. Tuy nhiên, hầu hết thời hạn trên đều không được đảm bảo, thực tế thời hạn 24 giờ chỉ đúng với thực tiễn các vụ án được chỉ định người bào chữa theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, còn đối với các vụ án người bào chữa được mời tham gia thì mất nhiều thời gian hơn quy định. Do không có quy định về chế tài khi vi phạm về thời hạn giải quyết đăng ký bào chữa, bảo vệ nên việc vi phạm này ngày càng trở nên phổ biến, gây khó khăn đến việc tham gia vào quá trình tố tụng của người bào chữa.

2.2. Những quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau mà chưa có văn bản hướng dẫn thi hành
Thứ nhất, về quyền tiếp xúc với người bị buộc tội, điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS chỉ quy định về quyền của người bào chữa: “Gặp, hỏi người bị buộc tội”, và Điều 80 BLTTHS quy định khi gặp mặt người bị buộc tội thì “người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân”, tuy nhiên, chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục để luật sư, người bào chữa có thể gặp được người bị buộc tội và các vấn đề liên quan khác như thời gian gặp mặt khi nào, gặp riêng hay có sự giám sát, việc bảo đảm bí mật thông tin trao đổi giữa hai bên, …  Sự thiếu sót này đã dẫn đến tình trạng cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tố tụng khác gây khó dễ cho việc gặp mặt, trao đổi giữa người bào chữa và người bị bắt, bị can, bị cáo đang bị tạm giam.

Thứ hai, về thủ tục đăng ký bào chữa, thực tiễn cho thấy việc quy định như hiện nay dẫn đến nhiều cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương áp dụng cứng nhắc khi cho rằng “Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư” thì chính Luật sư phải trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục, không công nhận bản sao có chứng thực (Công chứng) gửi qua đường bưu điện. Đối với các trường hợp do người thân của người bị buộc tội mời thì Luật sư phải cùng người thân đó đến trực tiếp cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục,... Quy định như trên dẫn đến nhiều cơ quan, người tiến hành tố tụng ở các địa phương khác nhau sẽ có các cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, phiền hà cho Luật sư và người thân của người bị buộc tội trong quá trình làm thủ tục đăng ký người bào chữa.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trong BLTTHS 2015 chỉ có 02 điều luật có nhắc đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể khoản 18 Điều 55 BLTTHS năm 2015 quy định người tham gia tố tụng bao gồm “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.” và Điều 84 BLTTHS năm 2015 quy định về quyền của người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tuy nhiên, ngoài 02 điều khoản trên, BLTTHS không có quy định nào khác quy định về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thực tiễn cho thấy các cơ quan, người tiến hành tố tụng tại các địa phương áp dụng không thống nhất, có nơi thì áp dụng quy định “tương tự” về thủ tục như đối với trường hợp người bào chữa của người bị buộc tội hoặc đưa ra quy định, thủ tục riêng. Thực trạng chung về vấn đề này là các Luật sư đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự thường gặp phải khó khăn, không thuận lợi, thậm chí có sự bất hợp tác vì không có quy định cụ thể về thủ tục.

2.3. Những quy định còn mâu thuẫn, không thống nhất, chồng chéo (giữa các quy định BLTTHS với nhau và giữa quy định của BLTTHS với các quy định pháp luật khác,…)
Quy định về không tiết lộ thông tin về người bị buộc tội có sự mẫu thuẫn, chồng chéo giữa quy định tại BLTTHS và Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“BLHS 2015”). Cụ thể tại điểm g khoản 2 Điều 73 BLTTHS quy định “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Trong khi khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 lại quy định “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Nội dung của hai quy định này có sự mâu thuẫn khi BLTTHS quy định hành vi không được “tiết lộ thông tin” của người bị buộc tội nếu không nhận được sự cho phép của họ, còn BLHS 2015 thì ngược lại khi bắt buộc Luật sư, người bào chữa phải “tố giác” người bị buộc tội/người được bào chữa trong trường hợp biết rõ hành vi của họ thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của BLHS 2015, dù cho có nhận được sự đồng ý của người bị buộc tội/người được bào chữa hay không. Điều này là một thách thức đối với thực sự làm khó Luật sư bào chữa không biết phải thực hiện theo quy định nào và nếu phải tố giác chính thân chủ của mình thì lại vi phạm Luật Luật sư, các chuẩn mực về đạo đức trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

II. GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ
Từ những bất cập, vướng mắc trong các quy định của BLTTHS dẫn đến việc thi hành, thực hiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn, chúng tôi tại đây đề xuất một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các quy định BLTTHS như sau:
1. Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Thứ nhất, đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 79 BLTTHS hoặc Điều 11 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công An, tăng thời gian báo trước cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng, cụ thể tối thiểu 02 ngày đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 04 ngày đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc.
Đồng thời, bãi bỏ quy định khác liên quan về thời hạn báo trước này.

Thứ hai, đề xuất sửa đổi khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 78 BLTTHS như sau để đơn giản hóa giấy tờ trong thủ tục đăng ký bào chữa và bổ sung quy định về chế tài khi vi phạm thời hạn giải quyết đăng ký bào chữa:
Điều 78. Thủ tục đăng ký bào chữa
2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư hoặc bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân /thẻ Căn cước công dân hoặc bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân/thẻ Căn cước công dân hoặc bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
d) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư hoặc bản sao có chứng thực của những giấy tờ nêu trên bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật nàythì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư hoặc bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ nêu trên và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Việc vi phạm về thời hạn cấp văn bản thông báo bào chữa hoặc cản trở quyền bào chữa có thể bị xem xét trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự nếu có căn cứ chứng minh việc vi phạm.
Đồng thời, cần bổ sung chế tài xử phạt hành chính hoặc căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự của hành vi này trên cơ sở coi đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Thứ ba, đề xuất bổ sung chi tiết về quyền tiếp xúc với người bị buộc tội tại Điều 80 BLTTHS, theo đó, cần bổ sung quy định bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng, người bào chữa đều có quyền được yêu cầu gặp mặt người bị buộc tội mà không bị hạn chế bởi bất kỳ lý do nào. Việc trao đổi giữa luật sư/người bào chữa và người bị buộc tội cần được đảm bảo độ bí mật, riêng tư nhất định để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của luật sư và người bị buộc tội mà không chịu ảnh hưởng bới bất kỳ tác động nào khác. Nội dung trao đổi được ghi vào biên bản lời khai.

Thứ tư
, đề xuất bổ sung thêm quy định về trình tự, thủ tục đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 83, Điều 84 BLTTHS với nội dung “Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này” để đảm bảo việc thực hiện thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên thực tế.

Thứ năm, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 73 BLTTHS như sau để thống nhất quy định của pháp luật hình sự
Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa
2. Người bào chữa có nghĩa vụ
g, Trừ trường phải tố giác tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra phải thực hiện hành vi tố giác tội phạm với các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”

2. Giải pháp, kiến nghị về việc nâng cao hiệu quả thi hành hiệu quả BLTTHS
Đối với Cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, yếu tố quan trọng là ở việc xóa bỏ tư tưởng hạ thấp vai trò của Luật sư trong nhận thức của người tiến hành tố tụng, thay đổi nhận thực “hoạt động của Luật sư chỉ là hoạt động bổ trợ tư pháp”. Bản thân những người tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tuân thủ quy định pháp luật liên quan để không tìm cách gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự.
Để làm được việc đó, trước hết các cơ quan tiến hành tố tụng cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và trao đổi kinh nghiệm thực tế cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đồng thời, việc ban hành chế tài áp dụng đối với những trường hợp vi phạm quy định BLTTHS và quy tắc đạo đức nghề nghiệp là vô cần cần thiết để thiết lập cơ chế xử lý vi phạm có tính răn đe mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định, từ đó phát huy vai trò chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, từ đó góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đối với đội ngũ Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư cần xây dựng đội ngũ Luật sư nắm vững luật pháp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chân lý khách quan trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền.
Cần tăng cường các công tác đào tạo và rèn luyện phẩm chất đạo đức của từng cá nhân Luật sư, nâng cao chất lượng các khóa đào tạo nguồn Luật sư đặc biệt chú trọng đào tạo về kỹ năng hành nghề và tạo điều kiện để Luật sư được thi hành trong thực tiễn đặc biệt là các Luật sư trẻ.

Đối với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến người dân, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về vai trò, vị thế và những kết quả mà Luật sư đã làm được khi tham gia bào chữa vụ án hình sự để từ đó người dân có ý thức hơn trong việc mời Luật sư bào chữa và tạo điều kiện thuận lợi để Luật sư thực hiện tốt hoạt động bào chữa cũng như thực hiện tốt chức năng xã hội của mình.

Trên đây là một số góp ý của Công ty Luật TNHH Brandco, với mong muốn cùng góp sức để hoàn thiện các quy định của BLTTHS, chúng tôi hi vọng những ý kiến được đưa ra sẽ được phần nào làm rõ được thực thi thi hành BLTTHS trong các hoạt động của Luật sư, từ đó có những đề xuất hữu ích sửa đổi những bất cập còn tồn đọng của BLTTHS.
share this post