THỦ TỤC GHI NỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2024/NĐ-CP.

Ghi nợ tiền sử dụng đất là thủ tục hành chính mà người được giao đất, sử dụng đất được thực hiện để tạm thời chưa phải nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Nhà nước đã quyết định. Số tiền này sẽ được ghi nhận vào sổ sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người sử dụng đất sẽ có nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian nhất định hoặc theo một hình thức nhất định. Việc tạo điều kiện cho người dân được ghi nợ sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là những hộ gia đình, cá nhân đang gặp khó khăn về mặt tài chính hoặc vừa mới được bố trí tái định cư mà số tiền bồi thường nhỏ hơn số tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư thì việc ghi nợ tiền sử dụng đất sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu.

Người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục ghi nợ theo quy định pháp luật khi có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất, cụ thể ở đây là Điều 22 của Nghị định 103/2024/NĐ-CP - văn bản mới nhất của Chính phủ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 08 năm 2024.

  1. Về đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất, mức tiền sử dụng đất được ghi nợ, thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất được quy định tại Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định về cấp giấy chứng nhận.

Cụ thể, Nghị định 101/2024/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 11 Điều 18 như sau:

“a) Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất có nhu cầu ghi nợngười nhận thừa kế theo quy định của pháp luật có nhu cầu ghi nợ thì được tiếp tục ghi nợ;”

Bên cạnh đó, Nghị định 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định về đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất tại khoản 1 Điều 26, cụ thể như sau:

“1. Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật Đất đai là người được bố trí tái định cư mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư, nếu có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất và cam kết thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.”

Trong khi đó, quy định cũ trong Nghị định 79/2019/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân thuộc nhóm người có công với cách mạng, hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và điều kiện được ghi nợ là phải thuộc trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, có thể thấy quy định mới đã có sự mở rộng, bao quát hơn đối với nhóm đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất, cụ thể gồm:

  • Cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất có nhu cầu ghi nợ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu;
  • Người nhận thừa kế theo quy định của pháp luật có nhu cầu ghi nợ;
  • Người được bố trí tái định cư mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư, nếu có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất.
  1. Về trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân

2.1. Các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất

Khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về hai trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất.

Trường hợp 1 – điểm a: Trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất của người được bố trí tái định cư quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai.

Theo điều khoản này và khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024, người được bố trí tái định cư được ghi nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủcó nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất. Các tài liệu cần nộp bao gồm:

  • Đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất;
  • Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất;
  • Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm: Quyết định giao đất tái định cưPhương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).

Địa điểm nộp các tài liệu nêu trên là:

  • Văn phòng đăng ký đất đai; hoặc
  • Cơ quan có chức năng quản lý đất đai; hoặc
  • Bộ phận một cửa liên thông.

Trong đó, quy định mới đã có sự thay đổi về các cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ so với quy định cũ, bao gồm việc thay thế “cơ quan tài nguyên và môi trường” bằng “cơ quan có chức năng quản lý đất đai” và bổ sung thêm “bộ phận một cửa liên thông”, làm tăng số lượng cơ quan mà các hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất có thể thực hiện thủ tục ghi nợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những đối tượng này.

Trường hợp 2 – điểm b: trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Theo điều khoản này, người sử dụng đất thực hiện trình tự thủ tục về ghi nợ (nếu có) theo quy định tại Nghị định về cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, điểm c khoản 11 Điều 18 Nghị định 101/2024/NĐ-CP lại quy định trình tự, thủ tục ghi nợ cho hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tức Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc hiểu và giải thích quy định về thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất đối với những đối tượng quy định tại điểm này do hai điều khoản thuộc hai Nghị định khác nhau có sự dẫn chiếu lẫn nhau, trong khi cả hai đều không quy định cụ thể những tài liệu cần chuẩn bị trong hồ sơ hay địa điểm nộp hồ sơ như tại điểm a khoản 2 Điều 22 nêu trên. Đây là những nội dung cần được bổ sung chi tiết trong tương lai nhằm tránh gây khó hiểu cho những người thuộc nhóm đối tượng được quy định tại điểm này.

2.2. Quy trình xử lý hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, sau khi tiếp nhận hồ sơ của người được ghi nợ quy định tại điểm a và b của khoản này, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông rà soát, kiểm tra hồ sơ và lập Phiếu chuyển thông tin gửi đến cơ quan thuế và các cơ quan liên quan theo quy định; trong đó tại Phiếu chuyển thông tin phải có nội dung về đối tượng được ghi nợ, thời hạn sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này; đồng thời trả Giấy hẹn cho người được ghi nợ theo quy định.

Điểm này có hai điểm cần chú ý:

Thứ nhất, nội dung của Phiếu chuyển thông tin đã có sự thay đổi. Tại điều khoản cũ trong Nghị định 79/2019/NĐ-CP, cụ thể là điểm b khoản 4 Điều 1, nội dung được yêu cầu phải có trong Phiếu chuyển thông tin chỉ gồm số tiền bồi thường về đất. hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận, ngoài ra không bắt buộc phải có thông tin nào khác. Trong khi đó, quy định mới đã sửa đổi, bổ sung nội dung này thành “đối tượng được ghi nợ” và “thời hạn sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này”, làm tăng sự chi tiết, cụ thể cho nội dung bắt buộc của Phiếu chuyển thông tin, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định.

Thứ hai, thời hạn sử dụng đất được ghi nợ chưa được quy định rõ ràng. Theo khoản 1 Điều 22, nội dung “thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất” được thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, và Nghị định 101/2024/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong các điều khoản về ghi nợ tiền sử dụng đất của hai văn bản này đều không có quy định cụ thể về thời hạn ghi nợ. Đặc biệt, khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2024/NĐ-CP còn dẫn chiếu ngược về Nghị định 103/2024/NĐ-CP: “5. Về trình tự, thủ tục ghi nợ, thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.” Do đó, đề xuất bổ sung quy định cụ thể về thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP, trong đó chọn một trong hai cách viết “thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất” hoặc “thời hạn sử dụng đất được ghi nợ” để thống nhất về mặt câu chữ, tránh gây nhầm lẫn.

Theo điểm d khoản 2 Điều 22, căn cứ Phiếu chuyển thông tin do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông chuyển đến, cơ quan thuế tính và ban hành Thông báo theo quy định để gửi đến hộ gia đình, cá nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan liên quan (nếu cần) trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo. Thời hạn tính số tiền sử dụng đất được ghi nợ đã được tăng thêm ba ngày so với quy định cũ, tạo điều kiện cho cơ quan thuế thực hiện công tác tính toán được chính xác hơn. Tại Thông báo phải bao gồm các nội dung:

  • Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp;
  • Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có): là số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận;
  • Số tiền sử dụng đất được ghi nợ: bằng (=) tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp trừ (-) số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có);
  • Thời hạn hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền; gồm:
  • Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) theo thời hạn quy định của pháp luật về quản lý thuế: Khoản 3 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất như sau:

“a) Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.

  1. b) Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
  2. c) Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.”

Quy định mới về thời hạn này thay thế cho quy định cũ của Nghị định 79/2019/NĐ-CP, trong đó dẫn chiếu đến thời hạn được quy định trong Nghị định 45/2014/NĐ-CP như sau:

“a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo Thông báo.

  1. b) Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo Thông báo.”

Như vậy, quy định mới cho phép người sử dụng đất được nộp toàn bộ số tiền sử dụng đất phải nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo nếu có thể, thay vì chia thành hai đợt như qua định cũ. Đồng thời, quy định mới bổ sung thời hạn nộp tiền đối với các trường hợp xác định được số tiền sử dụng đất phải nộp theo thông báo đã quá thời hạn năm năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.

  • Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này: Như đã đề cập, khoản 1 Điều 22 chưa có quy định rõ ràng về thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất. Do đó, đề xuất bổ sung quy định cụ thể hơn về thời hạn nộp khoản tiền này.

Điểm mới tiếp theo nằm ở các cơ quan có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất theo Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân. Theo điểm đ khoản 4 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP, những cơ quan này gồm cơ quan kho bạc nhà nước hoặc đơn vị được cơ quan kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu, còn điểm e khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định những cơ quan này gồm cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Khoản 1 Điều 55 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định như sau về cơ quan thu ngân sách và kho bạc nhà nước:

“1. Cơ quan thu ngân sách là cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

  1. Chỉ cơ quan thu ngân sách được tổ chức thu ngân sách.

… 4. Kho bạc Nhà nước được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng thương mại để tập trung các khoản thu của ngân sách nhà nước; hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách, điều tiết các khoản thu cho ngân sách các cấp theo đúng quy định.”

Như vậy, kho bạc nhà nước không phải cơ quan có thẩm quyền thu ngân sách nhà nước. Do đó, việc sửa đổi quy định về các cơ quan có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất giúp người dân nộp tiền đúng tại những nơi có thẩm quyền thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi các cơ quan này thực hiện thu tiền sử dụng đất theo Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân, họ phải đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.

  1. Về trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ

3.1. Trình tự, thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ

Điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định:

“a) Căn cứ thời hạn ghi nợ theo quy định tại Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định về cấp giấy chứng nhận, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thanh toán nợ tiền sử dụng đất bằng cách nộp một lần tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”

Tương tự như đã đề cập, thời hạn ghi nợ tại các quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất trong các Nghị định 103/2024/NĐ-CP, Nghị định 88/2024/NĐ-CP, và Nghị định 101/2024/NĐ-CP đều không được nêu cụ thể. Trong khi đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP quy định rất rõ thời hạn thanh toán tiền nợ sử dụng đất, dù chỉ áp dụng cho nhóm đối tượng được giao đất tái định cư:

“a) Căn cứ Thông báo của cơ quan thuế, hộ gia đình, cá nhân nộp dần tiền sử dụng đất còn nợ tại kho bạc trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo khi hết thời hạn 05 năm thì hoàn thành thanh toán toàn bộ tiền sử dụng đất còn nợ. Trường hợp trong thời hạn 05 năm bị mất, thất lạc Thông báo của cơ quan thuế thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để được cung cấp lại Thông báo.”

Đồng thời, điều khoản cũ còn bao gồm trường hợp chậm nộp đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư:

  1. b) Quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để được xác định lại số tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ (được xác định từ thời điểm hết thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến thời điểm hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để xác định lại) và nhận Thông báo của cơ quan thuế ngay trong ngày làm việc. Thông báo của cơ quan thuế phải có nội dung: Số tiền sử dụng đất còn nợ, số tiền chậm nộp; thời hạn nộp tiền vào kho bạc là 30 ngày kể từ ngày ghi trên Thông báo. Quá thời hạn ghi trên Thông báo của cơ quan thuế mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp hết thì phải thực hiện xác định lại số tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp theo quy định nêu trên.

Ngoài ra, quy định mới có nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bao gồm:

  • Cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất còn nợ theo số nợ ghi trên Giấy chứng nhận hoặc Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.
  • Cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3.2. Trình tự, thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ

Quy định mới về trình tự, thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP chỉ có vài điểm thay đổi so với quy định cũ.

Thứ nhất, bổ sung thêm tài liệu cần nộp phục vụ thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất, cụ thể là Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất (bản gốc), bên cạnh Giấy chứng nhận (bản gốc)chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc) vốn đã có ở quy định cũ.

Thứ hai, trong trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp, không phải cơ quan kho bạc nhà nước như quy định cũ.

Thứ ba, thay đổi thời hạn Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông thực hiện rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận và trả lại Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân từ “ngay trong ngày làm việc” thành “01 ngày làm việc kể từ ngày hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại điểm b khoản này.”

Thứ tư, loại bỏ điều khoản sau:“6. Hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp đủ tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp (nếu có) trước khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người nhận thừa kế có trách nhiệm tiếp tục trả nợ tiền sử dụng đất theo quy định.”

Các quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất trong Nghị định 103/2024/NĐ-CP đã có những sự bổ sung, thay đổi nhất định so với quy định cũ tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP. Bên cạnh những điều khoản được cụ thể hóa hơn như đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất, một vài điểm trong trình tự, thủ tục ghi nợ, thanh toán và xóa nợ, vẫn còn tồn tại sự không rõ ràng, khó hiểu trong một vài quy định về thời hạn ghi nợ tiền sử dụng đất và thủ tục ghi nợ đối với những người không được bố trí tái định cư theo khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai. Do đó, trong thời gian tới cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung đối với những điều khoản này.

share this post